Sửa bài Topik: Vài dòng chia sẻ
Đọc đi đọc lại bài viết của mình, soát xét liệu mình có bị lỗi chính tả nào không, từ nào lạ, không chắc thì phải tra lại trong từ điển…
Khi dạy các lớp topik ở nhà hay dạy các lớp ở trường, mình hay sửa bài cho học viên và sinh viên. Khi sửa bài cho các em mình cũng học được nhiều điều. Vì có nhiều thứ mình không biết nên phải đi tìm sách xem rồi mới sửa. Nên nhiều khi mình mất cả ngày để ngồi sửa. Bài nào có cách diễn đạt hay, mình thấy phục các em. Bài nào viết đúng, mình thấy ý nghĩa của một quá trình nỗ lực.Và mình có đôi điều muốn chia sẻ dành cho học trò liên quan đến việc sửa bài:
1) Hãy xem xét thật kỹ lỗi chính tả
Trước đây khi viết bất kỳ nội dung gì, dù là quan trọng hay không quan trọng, kể cả bài nghiên cứu mình cũng không có thói quen đọc lại. Nhát đọc. Vì mệt và thấy phiền. Nhưng kể từ sau khi học NCS, và được làm việc với Thầy thì đây là thói quen đầu tiên mình đã xây dựng được. Trước khi nộp bài, bấm nút gửi email, mình đọc lại ít nhất 2 lần. Đây là con số thực chứ không phải khoa trương. Thầy nói với mình:
"Một bài con gửi đi nếu người ta đọc thấy sai chính tả, người ta sẽ không còn muốn quan tâm đến kết quả nghiên cứu của con như thế nào. Vì con khiến cho họ có thể nghĩ con là đứa làm việc không chuẩn mực."
Thầy còn nói:
Khi con đưa bài để Thầy nhận xét và gợi ý cho con, nếu Thầy thấy toàn lỗi chỉnh tả và lỗi diễn đạt, Thầy sẽ rất mệt khi ép mình phải đọc tiếp. Vì vậy trước khi gửi bài, cái cần thiết là con phải xét lại những lỗi chính tả và lỗi diễn đạt thật kỹ. Đó là sự tận nhân lực.
Do đó khi nộp bản nghiên cứu để bảo vệ chuyên đề và bảo vệ cấp đơn vị chuyên môn, mình đọc mấy lần ngay trên máy tính rồi còn in ra giấy để đọc. Bất ngờ là quyển in giấy đó mình vẫn thấy vài lỗi chính tả. Mình công nhận sửa chính tả rất tốn thời gian và mệt mỏi. Nhưng nó giúp mình rèn được tính cẩn thận. Từ đó các văn bản, nội dung mình viết, hiếm khi thấy lỗi chính tả. Vì vậy các em ạ, đặc biệt các em thi topik, phải cẩn thận chăm chút từng chữ viết để tránh lỗi chính tả trong bài viết của mình. Không phải chỉ có sở thích câu cá, bắn cung… mới có thể giúp các em trui rèn được lòng kiên nhẫn. Đọc đi đọc lại bài viết của mình, soát xét liệu mình có bị lỗi chính tả nào không, từ nào lạ, không chắc thì phải tra lại trong từ điển… cũng là một phương pháp khả dĩ cho các em nâng cao lòng kiên nhẫn và cả sự tỉ mẫn.
2) Hãy để người sửa bài không vượt quá quyền hạn và phạm vi của mình
Trong quá trình học, cô chẳng nề hà gì việc sửa bài cho các em. Thậm chí có thể sửa giúp các em giấy tờ hồ sơ các em viết trong khả năng của mình. Nhưng cô lấy làm ái ngại khi có nhiều bạn gửi bài trong giờ học của các thầy cô khác đưa cô sửa. Điều này sẽ khiến cô rơi vào sự khó xử khá lớn. Cô không thể sửa bài tập mà giảng viên khác đưa cho các em. Vì nếu làm, cô đang vượt quá quyền hạn và phạm vi của mình. Các em muốn bài mình thật tốt khi nộp, các em hãy cố gắng viết như những gì cô dạy. Và hãy cứ mạnh dạn gửi bài cho các thầy cô đang đảm trách học phần của các em. Thầy cô sẽ có những lời khuyên hay để các em nâng cao năng lực viết của mình.Vì vậy các em ạ, khi cô nói cô không sửa được, là cô đang không muốn vượt quá phạm vi và lấy đi quyền nhận xét của các thầy cô khác dành cho bài viết của các em. Và cô cũng muốn các em có được cơ hội lắng nghe nhận xét và hướng dẫn từ các thầy cô mà các em đang theo học.
Viết với sự thương mến dành cho các em!
Cô Mỹ
(Đăng fb ngày 01.7.2021)